Trang chủ Hi I'm Sói Khi người đàn ông buồn

Khi người đàn ông buồn

--Sưu tầm--

1,304 lượt xem

Khi người đàn ông buồn, thì đó hẳn phải là một nỗi buồn lớn lắm. Họ có thể gánh vác những trách nhiệm lớn lao, che chở cho cả một gia đình, nhưng họ cũng biết buồn, mà đàn ông khi buồn thì khó ai có thể thấu hiểu.

Đàn ông buồn

Đàn ông buồn chẳng có mấy ai để ý, bởi kiên cường mạnh mẽ là cái cốt cách được rèn trong sóng gió và gian khổ. Ở bên trong cái vỏ sắt đá đấy, đàn ông vẫn là những đứa trẻ mang hoài bão được sánh cùng năm tháng.

Vẫn biết là vĩ cuồng nhưng đàn ông sinh ra hết lứa này đến lứa khác vẫn để lại cho con cháu cái cuồng vọng đấy, bởi vì, có lẽ, chính cái sự hàm hồ dám thách thức tạo hóa mà chúng ta mang trong mình dũng khí để trở thành đàn ông.

Mà đã dám vĩ cuồng thì đến một ngày, nhất định sẽ phải đối mặt với thất vọng – kẻ mở đường cho cuộc viễn chinh của sầu thảm.

Hãy cứ hiểu rằng đàn ông tiến xa trong cuộc đời bởi vì một tình yêu cháy bỏng. Trên chính con đường ấy, hắn gặp phải hằng hà sa số những tảng đá bay thẳng vào mặt mang tên nỗi buồn. Đàn ông ăn gạch sưng cả mặt, trưởng thành dần rồi nỗi buồn của đàn ông cũng trưởng thành theo. Đàn ông buồn, nhưng khác dần theo năm tháng.

Khi còn trẻ thì khóc than như một đứa trẻ trước từng thứ thất vọng. Giọt nước mắt đầu tiên mà đàn ông rơi khi vẫn còn ngây ngô có lẽ là vì tình.

Còn giọt nước mắt của lần đầu ý thức mình làm người rơi khi biết khổ. Đến một ngày nhận ra nước mắt không thỏa mãn được những khát khao lớn thì đàn ông hận buồn.

Khi ấy thì chẳng có nỗi buồn nào quan trọng bằng cách một thằng đàn ông đối mặt với nỗi buồn.

Đám đàn ông mạnh mẽ khinh thường hạng ba chân bi lụy, suốt ngày ẽo ợt mà không có nổi dũng khí để thay đổi nghịch cảnh.

Trong ánh mắt của một gã thư sinh chưa từng đánh người, vẫn có thể tồn tại khí khái của một kẻ quật cường không chịu cúi đầu trước đắng và cay.

Nhưng buồn vẫn là buồn, và vẫn còn bất tài không có được thứ mình kỳ vọng thì vẫn còn phải tiếp tục buồn.

Đàn ông buồn cũng chẳng phân biệt hạng người, nó chỉ khác nhau ở thời gian tích lũy nỗi buồn mà thôi.

Chỉ trách là có những ước mơ của đàn ông quá lớn, không thể thành hình sau một đêm, trước khi thời khắc ấy đến thì ngày nào có thể cũng sẽ buồn.

Đến khi đã phải lỳ đòn trước nỗi buồn, tự đàn ông rèn được cho mình cái màu trầm. Tôi không biết hào kiệt có màu gì, nhưng tôi nghĩ đàn ông trầm thì đều đang trên con đường ôm mộng làm hào kiệt.

Đàn ông chai sạn từ nỗi buồn

Đàn ông, đã có tí sự nghiệp, đã dựng được một mảnh ước mơ thì tức là đã phải nhìn thấy kha khá cái sự buồn.

Cho dù đủ mạnh mẽ và kiêu ngạo không chịu sống chỉ cho riêng mình thì cũng vẫn sẽ phải buồn khi nhìn thấy cái khổ của người khác và cả nỗi buồn của đất nước thiếu nội lực vẫn còng lưng chưa được đứng lên.

Đàn ông ở cái tầm 25 – 30 tuổi ấy, có nhiều người cũng đã mỏi mệt, buông đao xếp giáp mà nghĩ chuyện yên bề.

Chuyện này cũng chẳng thể đổ tại sức người có hạn, chỉ là có thể lúc ấy họ đã đủ trưởng thành đã nhận ra ước mơ nhỏ mà mình muốn đã thành hiện thực, thế nên bớt buồn, lặng đi mà làm cái nhiệm vụ duy trì nòi giống trong khi tằng tằng chống lưng cho giang sơn.

Lúc ấy những người vĩ cuồng vẫn còn đang phơi sương mặc buồn mà bươn trải. Họ mơ đủ lớn để nhìn thấy nỗi buồn của đất nước và đau đến oằn mình vẫn chẳng chịu điền viên.

Những kẻ như thể buồn quen rồi, làm quen với nỗi buồn hàng ngày, đối mặt với thất bại hàng ngày, dần dần mà chai sạn (ý là một cách nói khác của cái việc kiên cường hơn).

Tôi gặp lại bạn bè Nam tiến sau vài ba trăm ngày từ biệt, nhận ra nhiều người đã đàn ông hơn hẳn. Thâm trầm nhiều hơn, tin tưởng vào con đường mình chọn hơn, đằm hơn.

Tôi nhìn thấy thế mà tự hiểu rằng trong năm vừa rồi, bạn mình đã trải qua bao nhiêu ngày khổ để mà trui rèn bản thân được như thế. Chỉ có thể dùng sức vỗ vai nó một cái thật mạnh.

Đàn ông phải buồn, vì dám yêu dám sống dám buồn mà đã trở nên đảm lược hơn. Đã dám ôm vào trong lòng cả một người phụ nữ, cả một gia đình, cả một giấc mộng thì phải đủ mạnh mẽ để gánh vác. Với đàn ông, gánh vác được tòa cơ ngơi ấy là hạnh phúc lớn nhất.

Càng đi xa, rồi sẽ càng nhìn thấy nhiều nỗi buồn lớn hơn.

Đàn ông già, rất khác đàn ông thâm trầm trong cái độ trung niên. Khoảng cách vài chục năm đã bắt họ nhận ra những thứ rào cản của hoài bão mà con người này ở thời đại này không thể thay đổi được.

Tôi nhìn thấy họ có thể thanh thản bên ấm trà mỗi buổi chiều, biết rằng hạnh phúc toàn xuất hiện khi chúng ta không còn gì cả. Thế thì tự hỏi cuộc sống đã đánh với họ một trận lớn thể nào để mà những gã kiêu binh thuở ấy giờ đây không còn gì cả trong cái thư thái của tuổi già. Trong từng câu chuyện họ nói vẫn thở ra cái nỗi buồn của đất nước. Có chăng là đã vun vén chu toàn để giờ sống nhàn hạ với bản thân.

Điều này nói ra có thể xúc phạm, nhưng tôi không muốn trở thành một người đàn ông từ bỏ ước mơ quá sớm rồi chờ chết với tuổi già. Nếu có già, tôi muốn được già trong một cuộc chiến thật lớn với thời đại, được buồn mà già đi, được sống can đảm mà chiến đấu cho đến mãi tận lúc già.

Tôi nghĩ là mình tìm được câu trả lời cho việc vì sao đàn ông thôi trẻ. Nếu không phải vì những nỗi buồn hằn trên mặt thì có lẽ đàn ông đã chẳng già đi.

Các bài viết khác